Ba lưu ý khi bệnh nhân tim mạch mắc cúm

Bệnh nhân nên dự trữ thuốc điều trị tim mạch trong vòng 2 tuần mắc cúm, không tự sử dụng thuốc ngoài chỉ định của bác sĩ, chăm sóc cơ thể để tránh bội nhiễm. Bệnh cúm có thể là nguyên nhân cộng hưởng khiến các bệnh lý tim mạch bộc phát hoặc tiến triển nặng hơn. Mặc dù tỷ lệ này ít, người dân vẫn cần lưu ý, trong đó có nhóm bệnh nhân tim mạch. “Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, virus cúm có thể gây viêm cơ tim, suy tim. Người bệnh phải nhập viện và đối diện nguy cơ lây nhiễm chéo từ vi khuẩn, vi trùng trong bệnh viện, khiến việc chữa trị tốn kém, khó khăn, tỷ lệ tử vong cao”.

Người bệnh tim mạch mắc cúm cần chú ý 3 điểm sau để tránh các biến chứng. Đầu tiên, bệnh nhân nên dự trữ các thuốc về tim mạch, đủ để sử dụng trong vòng 2 tuần kể từ khi có triệu chứng cúm. Khi mắc cúm, mọi người vẫn phải tuân thủ đơn thuốc điều trị tim mạch đang dùng, có thể nhờ bác sĩ tư vấn thêm các thuốc điều trị triệu chứng cúm khi cần thiết.

Người bệnh tim mạch nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các phương pháp chăm sóc, điều trị và thuốc cho bệnh cúm nếu có. Không tự ý mua thuốc uống do có thể tương tác với thuốc tim mạch đang dùng hoặc gây tác dụng phụ không mong muốn. Trong quá trình mắc bệnh, mọi người chú ý nghỉ ngơi, thư giãn ở nơi thoáng khí, tránh gió và nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp; không nằm ở phòng máy lạnh do khiến cúm khó thuyên giảm.

Hàng ngày, mọi người nên vệ sinh mũi bằng thuốc sát khuẩn, ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu. Uống nước theo khuyến cáo, có thể bù nước bằng oresol, nước quả tươi, cháo giải cảm, nước chanh tươi ấm pha mật ong…

Tiếp theo, bệnh nhân chú ý các triệu chứng trên cơ thể. Ví dụ người suy tim chú ý triệu chứng khó thở, đau tức ngực… Nếu có thay đổi về hơi thở hoặc bệnh không giảm sau 7 ngày, tái sốt, mọi người cần khám ngay.

Trẻ em mắc bệnh tim mạch nên nhập viện điều trị nếu cảm thấy khó thở, môi hoặc mặt xanh tím, rút, lõm lồng ngực, đau ngực, đau cơ nhiều khiến trẻ không dám đi lại; mất nước khiến trẻ không đi tiểu trong 8 tiếng, môi khô; co giật, không giao tiếp. Ngoài ra, trẻ còn có triệu chứng sốt hoặc ho sau khi bệnh đã thuyên giảm, các triệu chứng quay lại hoặc trở nặng hơn.

Với người lớn có bệnh tim mạch, các triệu chứng cần đi khám gồm khó thở, đau ngực dai dẳng, choáng váng, không tỉnh khi được đánh thức, không đi tiểu, đau cơ nhiều, mệt nhiều không tự đứng lên, sốt hoặc ho trở lại và nặng hơn, các dấu hiệu tim mạch nặng thêm.

Dự phòng cúm bằng cách rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người sốt hoặc ốm, tiêm vaccine cúm. Mọi người nên tập thể dục thể thao thường xuyên, tránh lạm dụng đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng đủ chất, cân bằng.