Trong các tác nhân bên ngoài gây nguy cơ ung thư, thức ăn đóng một vai trò quan trọng, được xếp hàng đầu trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này (35%).
GS.TS Nguyễn Bá Đức (nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương) khẳng định: “Tất cả những gì đánh vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư và trên 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, còn tỷ lệ tự đột biến rất thấp, chỉ khoảng 10%. Trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn đóng một vai trò quan trọng, được xếp hàng đầu trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này (35%), đứng thứ 2 là thuốc lá (30%)”.
GS Đức cho biết, 50% số bệnh ung thư có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách và ăn nhiều chất xơ, chất sợi chính là một trong những cách phòng ung thư hiệu quả.
Vì vậy, việc ăn nhiều rau xanh, trái cây sạch là biện pháp hữu hiệu phòng nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, phương pháp chế biến thực phẩm cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Nếu chế biến thực phẩm không đúng cách như các món rán, nướng; chế biến thực phẩm mốc… cũng tạo thêm cơ hội cho các tác nhân gây ung thư xâm nhập cơ thể.
Thói quen ăn nhiều các loại rau, dưa muối mặn… cũng dễ gây ung thư các cơ quan tiêu hóa như ung thư ruột, ung thư gan. Ăn nhiều thức ăn động vật, mỡ, dễ dẫn đến thừa đạm, dễ gây ung thư đại tràng, trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt…
Dưới đây là 4 nhóm thực phẩm, đồ uống chuyên gia khuyến cáo cần hạn chế ăn để phòng nguy cơ ung thư:
– Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu.
– Các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội.
– Đồ uống có đường, bao gồm nước ngọt, đồ uống thể thao và nước trái cây (trái cây được khuyên ăn cả quả, cắt miếng… để tăng cường chất xơ).
– Thực phẩm chế biến sẵn đóng hộp và các sản phẩm ngũ cốc tinh chế. Thay vào đó, hãy chọn cá, thịt gia cầm, hoặc đậu làm nguồn cung cấp protein chính thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn. Nếu bạn ăn thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến, hãy ăn những phần nhỏ hơn.